Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Cô bé liệt bước đi sau 2 ca mổ

Tám tháng trước cô bé vẫn còn bị liệt hoàn toàn hai chân bởi một khối u xâm lấn vào tủy sống. Các bác sĩ Bệnh viện K, Hà Nội, đã tiến hành hai ca phẫu thuật đầy khó khăn để cắt u, cứu đôi chân của bé và giúp bé có thể đi lại được. Câu nói "Chân con đau quá, con không đi được, các bạn đi học còn con ở nhà một mình buồn lắm" của em bé khi ấy khiến các bác sĩ thương cảm.

Cuối tháng 8 bé Uyên cùng mẹ trở lại Bệnh viện K tái khám để chuẩn bị đến trường. Lần này, bé vận động được khác hẳn ngày mới nhập viện. Các bác sĩ đã chụp chiếu, đánh giá vị trí ghép xương, kết quả đều ổn định. Bé đi lại bình thường, không có u tái phát. Uyên được mổ tháo nẹp vít, về nhà đón khai giảng năm học mới.

"Nay con được đi học rồi, bác sĩ dặn không chạy nhiều chờ khỏe hẳn đã", người mẹ dặn con, trước khi rời bệnh viện.

Tháng 9/2018, Uyên nhập viện trong tình trạng hai chân yếu, đau nhiều, chỉ ngồi không thể đi lại. Cô bé được chẩn đoán u xâm lấn mặt trước tủy sống, lan tỏa 3 đốt sống và phát triển trong ổ bụng. Bé đã phẫu thuật một lần tại bệnh viện ở Hà Nội nhưng chỉ sinh thiết được u. U chèn ép lên nhiều bộ phận, cơ quan khác nên rất khó để phẫu thuật loại bỏ.

Người nhà nản lòng khi nhiều bác sĩ lắc đầu tiên lượng ca phẫu thuật rất phức tạp. Thấy các bạn cùng làng chạy nhảy nô đùa, còn con mình thì ngồi một chỗ, cha mẹ rất xót xa, quyết định đưa bé đến Bệnh viện K khám với suy nghĩ "còn nước còn tát".

Khối u xâm lấn ở tuỷ sống khiến bé Uyên bị liệt 2 chân. Ảnh: Thái Hà.

Khối u xâm lấn ở tuỷ sống khiến bé Uyên bị liệt 2 chân. Ảnh: Thái Hà.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K, cho biết bé Uyên nhập viện với khối u phát triển từ vị trí cột sống ngực đến thắt lưng, có khối u cả trong và ngoài ống sống và phát triển cả trong ổ bụng. "Bệnh nhi không thể đi lại được sẽ rất thiệt thòi và mất mát. Quyết định phẫu thuật cho bé, vấn đề đặt ra cho các bác sĩ là mổ như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất", bác sĩ Liên nói.

Ngày 12/9/2018, các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật được tiên lượng nhiều khó khăn. Bệnh nhi mới 5 tuổi, nếu mổ cùng lúc lấy cả khối u ở trong ống sống và cả khối u ở ổ bụng thì cuộc mổ rất dài, nguy cơ thiếu máu, biến chứng cũng như những rủi ro khác có thể xảy đến. Sau khi hội chẩn, kíp phẫu thuật quyết định mổ 2 thì.

"Đầu tiên phải phẫu thuật lấy khối u ở mặt trước tủy sống và cạnh cột sống, làm vững cột sống; sau đó mở mổ cắt u phúc mạc", bác sĩ Liên cho biết.

Bác sĩ Liên cùng ekip phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhi. Ảnh: Thái Hà.

Bác sĩ Liên cùng êkip phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhi. Ảnh: Thái Hà.

Khối u ở vị trí rất khó thám sát. Để vào được mặt trước tủy sống các bác sĩ phải cắt bỏ diện khớp bên cạnh, cắt toàn bộ khối u phía trước tủy sống và cạnh cột sống, chỉ để lại u phía sau phúc mạc.

Phương pháp phẫu thuật như vậy cột sống sẽ mất vững nên thông thường bệnh nhân phải nẹp vít cột sống. Tuy nhiên, với cháu bé dưới 7 tuổi thì nẹp vít là thách thức lớn. Trong khi đó nếu để nguyên nẹp vít thì tương lai bé có thể bị gù, vẹo cột sống. Kíp phẫu thuật đã lựa chọn nẹp vít và ghép xương sau bên. chờ khi xương ổn định thì tháo nẹp vít hỗ trợ trong thời gian ngắn.

Sau ca phẫu thuật đầu tiên một tháng, bé Uyên đã đi lại được và tiếp tục được bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, mổ cắt khối u sau phúc mạc và trong ổ bụng. Sau 2 ca phẫu thuật, bé hồi phục, đi lại bình thường.

Lê Nga

Shop Chuyên Bán Đồ Phong Thủy - Điện Thoại Cổ - Kính Mắt - Giao Hàng Toàn Quốc



 
------------------- ---------------------------